Tại ngôi làng nơi mà những tiểu đội lính Mỹ đã giết hại hàng trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ, giờ đây những người sống sót sẵn sàng tha thứ cho tên cựu binh ô nhục nhất nước Mỹ, một trong những tội phạm chiến tranh tạo nên những bóng ma làng Mỹ Lai trong cuộc thảm sát năm 1968.
William Laws Calley không bao giờ thực sự có ý định trở thành một sĩ quan trong quân đội Mỹ. Sau khi bị thải loại do điểm số thấp tại Đại học cộng đồng Palm Beach, WC đã cố gắng nhập ngũ năm 1964 nhưng bị từ chối do gặp khiếm khuyết nghe. Hai năm sau đó với sự leo thang trong chiến tranh Việt Nam, những tiêu chuẩn của việc tuyển quân được thay đổi và Calley – không phải là một đại diện học thức cũng chẳng phải là một kẻ côn đồ, chỉ đơn giản là một thanh niên trẻ tiêu biểu người Mỹ cố gắng tìm hiểu xem phải làm gì với chính cuộc đời mình được gọi vào quân ngũ. Một thập kỷ sau, trung úy WC trở thành một trong những nhân vật gây tranh cái nhất trong nhất nước Mỹ, nếu không muốn nói là cả thế giới.
Vào ngày 16/03/1968, trong suốt chiến dịch 4 tiếng tại làng Sơn Mỹ, lính Mỹ đã giết hại xấp xỉ 504 thường dân, bao gồm cả phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, hãm hiếm và đốt ngôi làng thành tro bụi. Trong số những kẻ giết người ngày đó, Calley một sĩ quan cấp thấp trong đại đội Charlie nổi bật vì số lượng thường dân bị giết và ra lệnh giết. Xuất thân từ vùng Miami với tên gọi thân mật là Rusty trở thành gương mặt đại diện của vụ thảm sát, câu chuyện hoàn toàn chiếm lĩnh các mặt báo bên cạnh những tin tức về chuyến hạ cánh trên mặt trăng của tàu Apollo 12 và phiên xét xử kẻ sát nhân hàng loạt Charles Manson. Trường hợp của Calley trở thành một phép thử (a limus test) cho những giá trị của nước Mỹ, một câu hỏi không chỉ cho những ai cảm thấy có lỗi về Mỹ Lai mà còn về việc nước Mỹ nên tiến hành cuộc chiến như thế nào và điều gì hợp thành một tội ác chiến tranh. Trong số 200 lính Mỹ được thả xuống ngôi làng vào ngày đó, 24 người sau này bị truy tố về tội ác và chỉ duy nhất một người bị kết án, Calley được thả tự do sau khi chấp hành chưa đầy bốn năm.
Kể từ đó, Calley đã gần như hoàn toàn tránh xa báo chí. Bây giờ 74 tuổi, WC từ chối phỏng vấn về câu chuyện này. Nhưng người viết đã có thể ghép lại những mảnh về bức tranh cuộc đời và di sản thảm họa của Calley bằng cách xem xét lại hồ sơ của tòa án và phỏng vấn những người lính (đồng đội của Calley) và những người bạn của hắn. Tác giả cũng đã đi về làng Sơn Mỹ, nơi những người sống sót vẫn đang đợi Calley quay trở lại và chuộc những lỗi lầm, đồng thời cũng đến Columbus Georgia, nơi Calley sống gần 30 năm để tìm hiểu rằng một kẻ giết người hàng loạt bị kết án và là một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đã biểu lộ sự hối tiếc một cách thực sự hay đang sống một cuộc đời bình thường như bao người.
Khung cảnh bao quanh làng Sơn Mỹ vẫn được bao bọc bởi những cánh đồng lúa như 50 năm trước, vẫn đầy những trâu, bò, thong thả trên những thửa ruộng, gia cầm chạy khắp đường làng, những con đường vẫn đầy đất bụi. Một buổi chiều thứ tư hiện thời, 10 người đàn ông trẻ đang uống bia và hút thuốc lá vặt bên cạnh những con đường xưa cũ, một máy hát karaoke đặt trên một chiếc xe máy, đôi loa to được đặt gần nơi mà bạn nếu không để ý sẽ dễ dàng vượt qua trong chớp mắt với một mũi tên trỏ hướng đến ” Ngôi mộ tập thể của 75 nạn nhân”.
Trần Nam lúc đó 6 tuổi khi ông nghe thấy tiếng súng từ ngôi nhà được làm bằng rơm và bùn tại làng Sơn Mỹ, đó là một buổi sáng sớm khi đang ăn sáng cùng gia đình có tất cả 14 người. Lính Mỹ đã một vài lần đến đây trong suốt cuộc chiến. Gia đình Nam cũng đã nghĩ chắc cũng giống như những lần trước, họ sẽ phải tập hợp lại trả lời một vài các câu hỏi rồi sẽ được thả ra. Bởi vậy mọi người vẫn cứ tiếp tục công việc của mình ” Sau đó một lính Mỹ bước vào” Nam kể lại ” Và hắn nhắm vào bữa ăn của chúng tôi và bắn. Mọi người đổ sập xuống từng người một”.
Nam nhìn thấy những thân thể găm đầy đạn của gia đình ông ngã xuống, ông nội, bố mẹ, anh trai, em ruột, người cô và họ hàng. Ông chạy vào phòng ngủ mờ tối và trốn dưới giường, ông nghe thấy thêm nhiều binh lính vào nhà và sau đó là tiếng súng. Ông ở yên dưới giường nhưng cũng không lâu vì lính Mỹ bắt đầu đốt căn nhà. Khi sức nóng khiến Nam không chịu nổi, chạy ra cửa và trốn trong một cái mương, 14 người trong bữa sáng ngày hôm đó, 13 người bị bắn và 11 người bị giết chỉ duy nhất mình Nam là còn sống lành lặn.
Sáu tiểu đội lính Mỹ đã quét qua làng Sơn Mỹ ngày đó bao gồm 100 lính từ đại đội Charlie và 100 người khác từ đại đội Bravo. Chúng đã giết thường dân, bắn trực tiếp vào họ hoặc bỏ lựu đạn vào nhà. Theo lời của Varnado Simpson, một thành viên của tiểu đội 2, người được phỏng vấn trong cuốn sách 4 giờ ở Mỹ Lai đã mô tả ” Tôi đã cắt cổ họng, chặt tay, cắt lưỡi, tóc và lột da họ, tôi đã làm thế, rất nhiều người cũng đã làm thế và tôi bị cuốn theo, tôi đã mất hoàn toàn cảm giác”. Simpson sau này đã tự tử sau 30 năm với những ám ảnh.
Lính Mỹ đã tập trung toàn bộ dân dọc theo một con đường mòn xuyên qua làng và dọc theo một con mương dẫn nước về phía Đông. Calley và một tân binh 21 tuổi Paul Meadlo đã hạ sát tập thể bằng những khẩu M-16, đốt hết một loạt những băng đạn trong suốt quá trình bắn giết. Chúng giết khoảng 200 người trong hai khu vực của làng Sơn Mỹ bao gồm 79 trẻ em. Nhân chứng cho biết Calley cũng đã bắn một nhà sư đang cầu nguyện và một phụ nữ trẻ đã giơ tay đầu hàng, khi hắn thấy một đứa trẻ khoảng 2 tuổi bò ra khỏi con mương, Calley đã ném đứa bé lại và bắn tiếp.
Trương Thị Lê, một nông dân sau này kể lại lúc đó bà đang trốn trong nhà với đứa con trai 6 tuổi và cô con gái 17 tuổi, lính Mỹ tìm thấy họ và kéo ra ngoài. Khi những băng đạn từ khẩu M-16 nã xuống, phần lớn đã chết ngay lúc đó. Lê ngã xuống đè lên cậu con trai và hai thân thể khác lại đè lên người bà. Nhiều giờ sau đó, họ trồi lên từ đống xác chết và vẫn còn sống ” Khi tôi nhận ra mọi thứ thật yên tĩnh, tôi đã kéo những xác chết phía trên sang một bên, máu chạy tràn đầu và quần áo của tôi” . Bà đã kéo cậu con trai về rìa cánh đồng và phủ lên người con trai mình bằng gạo và vải. ” Tôi đã nói với nó đừng khóc nếu không họ sẽ đến giết chúng ta”. Khi người viết hỏi thêm về người con còn lại. Bà Lê, người đã giữ những ký ức của mình từ thời điểm đó đã ôm mặt và bật khóc. Bà kể rằng Thu đã bị giết cùng 104 người trên con đường làng nhưng cô đã không mất ngay. Khi khung cảnh chung quanh dường như đã tạm an toàn, bà Lê đã tìm thấy con gái mình đang ngồi ôm người bà đã mất “Me, con chảy máu nhiều quá” Lê nhớ lại rằng con gái bà đã nói “Con phải rời xa mẹ…”
Nguyễn Hồng Mân (Mẫn) lúc đó 13 tuổi tại thời điểm cuộc tàn sát đã kể lại với tôi về cuộc trốn chạy với người cháu gái 5 tuổi dưới đường hầm trong lòng đất nhưng kết cuộc là chứng kiến cảnh cô bé bị bắn chết ngay trước mặt ông ” Tôi đã nằm đó, kinh hoàng, máu từ những cơ thể gần đó vọt lên người tôi, nhiều người vơi thi thể đầy máu me đã bao phủ lên và tôi đã nằm đó tới khi có cơ hội sống sót, trong khi những đứa trẻ khác đã không có cơ hội, nhiều đứa đã chết khi chúng gào khóc trong hoảng sợ”
Ban đầu, quân đội Hoa Kỳ đã miêu tả vụ thảm sát như một thắng lợi tuyệt đối với lực lượng Việt Cộng và câu chuyện đó có thể chìm vào quên lãng nếu không có một tay súng bắn tỉa tên là Ronald Ridenhour. Mặc dầu anh đã không ở đó nhưng vài tuần sau cuộc đổ bổ, một người bạn từ đại đội Charlie đã kể lại về một tấn thảm kịch giết dân thường. Ronald đã tự mình điều tra và chờ đợi đến tận khi kết thúc nhiệm vụ. Khoảng một năm sau cuộc thảm sát, Ridenhour đã gửi một bức thư tới khoảng hai chục thành viên của Quốc hội, các Thư ký Quốc hội và Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân và nói về trường hợp của trung úy Calley, người đã xả súng vào những thường dân không có trang bị vũ trang.
Bức thư của Ridenhour đã thúc đẩy Tổng thanh tra của Quân đội, tướng William Enemark, khởi động một cuộc điều tra tìm hiểu thực tế do đại tá William Wilson chỉ huy. Tại một khách sạn ở Terre Haute, Indiana, Wilson đã nói chuyện với Meadlo, người lính đã cùng Calley bắn chết hàng đoàn người trong làng. Meadlo đã được miễn trách nhiệm khỏi quân đội vì một vài vết thương, giống như một vài trường hợp khác trong vụ Sơn Mỹ đã được miễn quân dịch khi cuộc điều tra bắt đầu. Meadlo đã miêu tả với đại tá Wilson trong khi nhìn lên trần nhà và bật khóc về những gì đã chứng kiến và hành động ” Chúng tôi đã quét sạch toàn bộ ngôi làng”.
Một cuộc điều tra tiếp nối bởi Bộ Chỉ huy Điều tra Hình sự đã phát hiện ra rằng nhiếp ảnh gia quân đội Ronal Haeberle đã chụp hình trong suốt quá trình hoạt động chiến dịch. Trong một phòng khách sạn ở Ohio, trước sự choáng váng của điều tra viên, Haeberle đã phơi bầy những bức ảnh kinh hoàng về những chồng xác chết và gương mặt của những người dân làng đang sợ hãi. Với những hình ảnh của Haeberle và 1000 trang tài liệu từ 36 nhân chứng, quân đội chính thức buộc tội Calley với cuộc thảm sát có suy tính chỉ một ngày trước khi được giải ngũ. 18 tháng sau đó, tháng 3 năm 1971, một phiên tòa với bồi thẩm đoàn gồm 6 sĩ quan, bao gồm 5 người từng phục vụ tại Việt Nam đã tuyên án Calley tội giết ít nhất 22 thường dân và tuyên bố án tù.
Ngày tuyên án, Calley biện hộ cho hành động của mình khi gửi một đoạn tuyên bố đến tòa án: “Những tiểu đội của tôi đã bị tàn sát và ngược đãi bởi một kẻ thù mà tôi không thể thấy, cảm nhận hay chạm đến – kẻ thù mà bộ máy quân đội không cho tôi biết thêm chi tiết nào khác ngoài việc được dán cái tên “Cộng sản”. Quân đội đã không đề cập gì đến chủng tộc, giới tính hay tuổi tác của kẻ thù này. Họ không để tôi tin rằng đây chỉ là một triết lý lấy ra từ đầu óc của một người nào đấy. Đó [việc quân đội hạn chế ý nghĩ của Caley] chính là kẻ thù của tôi trên chiến trường lúc ấy.”
Bất chấp những bằng chứng ngập tràn cho thấy Calley đã đích thân giết nhiều thường dân, một cuộc khảo sát cho thấy gần 4/5 người Mỹ không đồng tình với phán quyết có tội. Calley trở thành một mục tiêu gây tranh cãi ở hai phe. Phái Diều Hâu tuyên bố WC chỉ đơn giản là thực hiện công việc của mình, phái Ôn Hòa nói rằng Calley là minh chứng kết quả từ những tướng lĩnh và các chính trị gia đã kéo nước Mỹ vào một cuộc xung đột tàn khốc và vô đạo đức. Trong các bài báo trên khắp nơi, một từ đã gắn chặt với tên của Calley: Vật tế thần (scapegoat).
Trong suốt ba tháng sau ngày phán quyết, Nhà Trắng đã nhận hơn 300,000 lá thư và điện tín , gần như tất cả nhằm hỗ trợ cho người bị kết án, Calley cũng đã nhận được 10,000 thư và quà hàng ngày. Ông Kenneth Raby, luật sư bảo vệ tại tòa án binh cho Calley đã kể lại rằng vì nhận được quá nhiều thư nên anh ta phải chuyển đến một căn hộ tầng trệt tại Fort Benning để những người đưa thư, chuyển hàng không phải leo lên những bậc cầu thang. (Fort Benning là căn cứ quân sự nằm giữa ranh giới bang Alabama và Columbus Georgia). Một vài người ủng hộ Calley còn tiến những bước dài hơn. Hai nhạc sĩ từ vùng Muscle Shoals, Alabama đã phát hành một bản thu âm gọi là “Bản hùng ca về trung úy Calley – The Battle Hymn of Lt.Calley” với lời hát “Không còn cách nào khác để nhận công trạng từ một cuộc chiến” đã bán được hơn 1 triệu bản. Digger O’Dell, một tay chơi chuyên nghiệp tại Columbus Georgia đã chôn mình 79 ngày trong một chiếc xe cũ. Người qua đường có thể bỏ một đồng xu vào đường ống dẫn xuống “ngôi mộ” của Dell nhằm gây quỹ hỗ trợ cho Calley, sau đó ông ta hàn chặt cánh cửa của xe và từ chối ra ngoài cho đến khi WC được trả tự do.
Các chính trị gia đã phải lưu ý đến sự giận dữ của các cư tri đã tiến hành các động thái riêng. Bang Indiana thống đốc Edgar Whitcomb đã ban hành lệnh treo cờ rủ, thống đốc Mississippi – John Bell Williams đã tuyên bố sẵn sàng tách khỏi Liên Bang đối với bản ản của Calley, thống đốc Jimmy Carter, vị tổng thống tương lai đã kêu gọi đồng bào tại Georgia “tôn vinh việc Rusty đã làm như lá cờ của nước Mỹ – honor the flag as Rusty has done”, các nhà lãnh đạo địa phương trên cả nước yêu cầu tổng thống Nixon tha thứ cho Calley . Nixon đã không thực hiện điều đó tuy nhiên ông đã ra lệnh quản thúc Calley ở căn hộ tại căn cứ Fort Benning, WC có thể được chơi cầu lông ở sân sau và gặp gỡ bạn gái hắn. Tiếp sau một loạt khiếu nại, tội trạng của Calley được cắt giảm xuống còn lần lượt là 20 năm, rồi 10 năm. Cuối cùng WC được thả tự do vào tháng 11 năm 1974 sau khi thụ án được ba năm rưỡi. Vài tháng sau khi được thả ra, Calley đã xuất hiện trước công chúng vài lần và sau đó biến mất sống một cuộc đời riêng tư tại Columbus, Georgia….
Dịch phần 1 – Bài được viết bởi nhà báo Shaun Raviv – hình ảnh bởi Bình Đặng đăng tải trên Smithsonian chuyên mục đặc biệt kỷ niệm 50 năm 1968 – 2018.