Dự án bắt đầu từ tháng 6/2017, với lời mời cộng tác từ trung tâm hoạt động phi chính phủ CSAGA về một workshop và triển lãm dành cho các chị em tại chợ Bãi Đá, xã Cổ Đông, Sơn Tây, huyện Ba Vì.
Mặc dù tham dự và tham gia nhiều workshop nhưng đây là lần đầu tiên những người thực hành nhiếp ảnh mà mình hướng dẫn là những người chị, người mẹ, người bà với đặc thù công việc hoàn toàn không liên quan đến những khái niệm thị giác đừng nói gì đến công nghệ.
Tuy nhiên 3,5 tháng hoạt động là một khoảng thời gian vừa đủ để có thêm những trải nghiệm mới, đủ để nghe và biết thêm những câu chuyện về vai trò, sức chịu đựng và sự hy sinh của các chị trong đời sống thường nhật, có những cơn bão lớn, nhỏ khác nhau trong cuộc đời nhưng mỗi người lại có những cách đối thoại và lựa chọn cho riêng mình.
Việc sử dụng hình thức nhiếp ảnh chia sẻ không phải là một công cụ mang tính trực tiếp giúp nói hết được những vẫn đề trong cuộc sống của từng người tham gia, tuy nhiên thực hành chụp hình mở ra một cánh cửa làm giảm nhẹ những áp lực tâm lý cho những sự giãi bày sau này.
Trong tổng số người tham dự lúc đầu là khoảng 30 người rơi rụng lại cuối cùng cho cuộc triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ chỉ còn chính xác 19 người và 1 chị tham dự ghi âm, trong những người còn lại đó phân nửa chịu những hành vi mang tính bạo lực trong cuộc sống gia đình, bạo lực không nhất thiết phải về thể xác mà có khi chủ yếu mang nỗi sợ tinh thần.
Nghe hầu hết những chia sẻ về cuộc đời của mọi người trước khi hướng dẫn họ làm sao để chụp những bức hình về cuộc sống thường nhật mình hiểu có những ranh giời về sự chịu đựng cao hơn tất cả, có nhiều lúc tự hỏi bản thân và hỏi chính người trong cuộc, sao vẫn phải sống với nhau như vậy, đa phần đều có cùng một câu trả lời và một tâm trạng gần giống nhau: không biết phải nói với ai và lo sợ về những cuộc hôn nhân tan vỡ.
Dưới đây là lời đề tựa mang nhiều yếu tố văn chương của bên tổ chức, cách đặt tên và lời giới thiệu về mặt nội dung kết hợp với hình ảnh trong cuộc triển lãm giúp làm giảm nhẹ cảm giác nặng nề của chủ đề và cũng làm cho chính những người tham dự không cảm giác thấy lo lắng khi những hình ảnh thường nhật về cuộc sống gia đình với chồng, con, chợ, hàng…được bày ra trước mắt người xem:
“Khi bạn tham quan triển lãm này là lúc cơn bão số 12 vừa quét qua miền Trung một trận cuồng phong với những hậu quả khủng khiếp. Và, việc thu dọn tàn tích, sắp xếp lại cuộc sống của mình sau đau thương mất mát lại đang tiếp tục diễn ra.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta có thể đều phải trải qua các cơn bão khác nhau, tàn tích của mỗi cơn bão có thể là những vết sẹo ngắn dài. Đi qua bão của thiên nhiên hay của cuộc đời đều cần sự kiên cường để tồn tại và thay đổi. Có những người sẽ bị dập vùi và không gượng dậy nổi, nhưng cũng có những người sau đớn đau mất mát có thể mạnh mẽ hơn để đi tiếp..
20 số phận mà chúng ta sẽ gặp trong triển lãm này đã luôn học cách khiêu vũ qua các cơn bão cuộc đời của họ. Cơn bão của bạo lực, gia trưởng, của những cú sốc trong đời… Họ đã khiêu vũ, tạo ra những ánh hào quang dù trong lòng mang đầy thương tích.
Ở bên kia mắt bão, những người đứng trong vùng an toàn nhìn thấy gì? Có thể chúng ta chỉ nhìn thấy ánh hào quang, chỉ nhìn thấy những bước chân khiêu vũ. Dưới những ánh hào quang kia, có những thứ sẽ không bao giờ hiện diện: là những giọt nước mắt, là những những vết sẹo và những can trường và quả cảm.
Triển lãm lần này đã tạo cơ hội để 20 người phụ nữ quanh năm tần tảo buôn bán khu vực chợ Bãi Đá cùng ngồi lại chia sẻ những phần đời khác nhau: những lần bão đến, những khi bão tan…3,5 tháng thực hiện các tác phẩm, đã có không ít giọt nước mắt rơi xuống. Đó là những giọt nước mắt khi phải sống lại những ngày bão táp, đó là những giọt nước mắt của niềm tự hào, và có cả những giọt nước mắt vì sự cảm phục của các cán bộ xã hội và nghệ sỹ.
Bạn có thể nhìn thấy mình trong họ.
Bạn có thể thêm động lực để đi qua cơn bão đời mình.
Bạn cũng có thể tham gia vào hành trình cùng những người khiêu vũ trong gió táp mưa sa theo cách của bạn.
Hãy đến để gặp chính mình và thêm yêu cuộc sống mến thương này.
Trân trọng!”
Tham khảo thêm tại các tin báo:
An ninh Thủ đô – “Bên kia mắt bão”- cuộc chiến chống bạo lực gia đình
Phụ Nữ Việt Nam – 20 phụ nữ từng bị bạo hành kể chuyện “bên kia mắt bão”
Quốc hội TV – Triển lãm “Bên kia mắt bão” – Tình yêu và tự do