- This post is in English and Vietnamese. Scroll down to select the language you want to read.
- Bài viết được thực hiện bằng hai ngôn ngữ. Kéo xuống để lựa chọn ngôn ngữ bạn muốn đọc.
Chụp ảnh không gian nội thất của một công trình hay một tổ hợp luôn là một thách thức vì nhiều lý do khác nhau.
Trong rất nhiều trường hợp, điều kiện ánh sáng là một thử thách thường thấy nhất trong đó không gian nội thất và ánh sáng bên ngoài luôn có độ chênh lệch cực lớn.
Trong một vài trường hợp khác, không gian phòng có thể rất cao, hoặc rộng, điều này buộc người chụp phải tìm giải pháp phù hợp hoặc sáng tạo trong khâu xử lý hậu kỳ sau này.
Ngoài những khó khăn tiềm tàng này, nhiếp ảnh gia cũng phải suy nghĩ về những thứ như góc chụp độc đáo, cách nhìn và cả phong cách thực hiện tuỳ theo mục đích sử dụng hình ảnh của khách hàng: quảng cáo không gian hay nói về phong cách sống của chủ nhân ngôi nhà
Ánh sáng là nhân tố chính
Một thách thức lớn cho người chụp ảnh không gian nội thất chính là sự nhất quán và đồng nhất của ánh sáng. Hãy thử tưởng tượng khi bạn chụp khu vực bếp với ánh sáng đèn vàng, rất dễ nhận thấy nhiệt độ màu sẽ thay đổi.
Sau đó bạn chụp ảnh phòng khách với nguồn sáng hoàn toàn tự nhiên mà không có bất cứ yếu tố nhân tạo nào, kết quả dễ nhận thấy đó sẽ là hai bức ảnh hoàn toàn khác biệt và tạo cảm giác rời rạc của cả bộ ảnh.
Cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề này, đó là người chụp có thể bật hoặc tắt tất cả hệ thống đèn để cố định một nhiệt độ màu phù hợp nhất, hoặc chuyên nghiệp hơn và thường thấy đó là khắc phục cân bằng trắng trong xử lý hậu kỳ.
Bạn có thể sửa lỗi cân bằng trắng trong PS, Lightroom hoặc bất kỳ chương trình hâụ kỳ chuyên nghiệp nào cho phép chỉ bằng vài thao tác và kết quả là tạo ra một thông số nhiệt độ màu phù hợp cho toàn bộ series ảnh.
Phơi sáng với nhiều mức độ khác nhau
Như đã đề cập ở trên, nhiếp ảnh gia sẽ thường xuyên bắt gặp những không gian có dải ánh sáng phức tạp và rất rộng, từ cửa sổ với nguồn sáng cực mạnh đến những góc khuất cực tối trong căn phòng.
Trong tình huống này, tốt nhất với dân chuyên nghiệp thì việc phơi sáng với nhiều mức độ khác nhau và sau đó trộn chúng lại để có một dải ánh sáng đầy đủ nhất cho mọi chi tiết xuất hiện trong khung hình là điều thực sự cần thiết.
Ưu điểm của việc sử dụng kỹ thuật này là không lo sợ bất cứ yếu tố ánh sáng ngoại cảnh nào tác động vào khuôn hình từ chỗ sáng nhất cho thời gian phơi sáng là 1/100(1000)s đến chỗ tối nhất mất 1s đều có thể xử lý với những dòng máy chuyên nghiệp và ống kính đủ tốt.
Mặt khác, kỹ thuật này giúp cho việc giảm thiểu sự lỉnh kỉnh trong việc đầu tư các nguồn sáng ngoại lai như đèn flash, continuous và đồng thời dễ dàng tiết kiệm thời gian cho khâu sản xuất tiền kỳ.
Tuy nhiên thiết bị cần thiết nhất phải là chân máy, dây bấm mềm hoặc dòng máy ảnh cho phép điều khiển bằng các kết nối từ xa, nhằm đảm bảo cho các dải chụp hoàn toàn chính xác trong từng frames hình.
Hãy thử tưởng tượng một không gian ánh sáng phức tạp, có thể khiến bạn phải chụp từ 10-15 frames hình với tương đương cấp số phơi sáng 10-15 levels, vậy nếu không có sự chính xác thì việc ghép các chi tiết cũng như lớp ảnh bằng hậu kỳ là gần như không thể.
Hai bức ảnh đều được ghép từ nhiều tấm hình phơi sáng. Bức phía trên do điều kiện ánh sáng phức tạp, đèn trần cao, trong phòng có nhiều đồ vật và góc khuất ko đủ để ánh sáng lan tỏa hết, khu vực chiếu nghỉ hành lang có cửa sổ lớn gây chênh lệch cường độ giữa hai không gian trong và ngoài. Tấm phía dưới với ánh nắng ngoại cảnh cực mạnh, gây ra nhiều bóng đổ và các khu vực tối, đen.
Chú ý chiều cao của góc máy
Trong hầu hết các tình huống, chụp ảnh các không gian bên trong từ phòng ngủ, phòng khách, hay phòng ăn thì mức độ lý tưởng nhất luôn là chiều cao hình ảnh ở mức độ tầm mắt người thường.
Xét cho cùng, viễn cảnh tốt nhất của một không gian là cung cấp cho người mua tiềm năng chính xác, cũng như lý tưởng nhất về giao diện của công trình và cảm quan hiệu quả nhất chính là tầm nhìn như cách mắt người quan sát. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ cho phép nhiếp ảnh gia được sáng tạo để vượt ra ngoài những quy tắc…Ví dụ nếu như công trình có một góc nhìn thú vị từ khuôn viên của ban công phòng khách hoặc phòng ngủ, nhiếp ảnh gia cần phải nâng hoặc hạ chiều cao để tìm kiếm những góc nhìn thú vị về ngoại cảnh bao quanh công trình.
Sự căn chỉnh trong góc chụp
Để đảm bảo tính vẹn toàn tốt nhất cho một công trình dù đó là cả một tòa nhà khổng lổ hay một phòng sinh hoạt cỡ nhỏ, việc căn chỉnh góc chụp cẩn thận là điều thực sự quan trọng, vì điều này sẽ đảm bảo rằng các trục không gian dọc và ngang sẽ không bị sai lệch làm mất thiện cảm về sự chắc chắn và tính thẩm mỹ.
Nếu nhiếp ảnh gia nghiêng máy ảnh lên hoặc xuống quá mức cần thiết, người xem bức ảnh sẽ cảm nhận giống như mình đang mất thăng bằng hoặc căn phòng bị bóp méo dẫn tới mất đi cảm quan về tính chính xác của không gian.
Tạo ra nhiều lựa chọn cho các góc chụp khác nhau
Ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất, sau đó đến chiều cao và góc máy phù hợp, tuy nhiên một yếu tố khác biệt nữa đó chính là nhiếp ảnh gia phải luôn thay đổi vị trí và tìm kiếm nhiều lựa chọn khác nhau trong căn phòng.
Đối với các không gian nhỏ, đây có thể là thách thức và nơi duy nhất thường được lựa chọn để có đủ không gian đặt chân máy cũng như cho phép ống kính có thể bao quát toàn bộ hình ảnh luôn là vị trí ngay trước cửa phòng, giống như ấn tượng của một người khi mở cửa và nhìn thấy trọn vẹn không gian bên trong.
Tuy nhiên trong phạm vi có thể của các không gian lớn hơn như phòng khách, hoặc sảnh…, di chuyển xung quanh và tạo ra những bức ảnh khác nhau có thể cung cấp cho người xem cái nhìn đa chiều và tiềm năng của nơi chốn.
Làm như vậy, không chỉ giúp làm nổi bật tính độc đáo của tài sản mà còn cung cấp cho người mua tầm nhin vi mô và vĩ mô, cảm giác như đặt chính bản thân mình trong không gian, dẫn tới dễ dàng kích thích nhu cầu và tính quyết định cho việc mua hoặc thuê lại tài sản.